[Giáo dục và Thời đại] Khai mạc hội thảo khoa học quốc gia về kinh tế chính trị

GD&TĐ - Ngày 26/10, tại ĐHQG Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học quốc gia "Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại".



Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị, tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị, tổ chức.

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội và Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tới dự có các nhà nghiên cứu, đại biểu đến từ nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả, học viên đến từ các cơ sở giáo dục.

Phát biểu tại đây, PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo Khoa học quốc gia "Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại" là sự kiện quan trọng được tổ chức trong đợt kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội.

truong-8479-6952.jpg

PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo.

Kinh tế chính trị học là lĩnh vực có sức ảnh hưởng sâu rộng, đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc khai mở những chiều sâu giá trị của các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị. Ngành kinh tế chính trị cũng đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bền vững và Trường Đại học Kinh tế đang tích cực triển khai.

"Trong những bảng xếp hạng có sự góp mặt của ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế là một trong những trường trọng điểm và có vai trò tiên phong, chủ chốt ở các lĩnh vực quan trọng. Ở kỳ xếp hạng 2023 của Times Higher Education, lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế của Trường ĐH Kinh tế đã lọt top 501-600" - PGS.TS Đào Thanh Trường nói.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đã gợi mở một số vấn đề thảo luận tại hội thảo tới các đại biểu.

truc-le-5284-6416.jpg

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội trao đổi thông tin tại hội thảo.

Trong đó có những vấn đề cấp thiết như: Mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa;

Mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

thuong-mai-4662-2919.jpg

PGS. TS Phan Thế Công đến từ Trường ĐH Thương mại trình bày tham luận "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng và phát triển bền vững, công bằng xã hội".

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê kỳ vọng hội thảo sẽ phát triển được nhiều ý tưởng mới; bổ sung thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế được thể hiện trên cơ sở giữ vững quyền tự chủ các quốc gia.

Từ đó góp phần nâng cao vị thế đất nước, duy trì bản sắc dân tộc, góp phần giúp Việt Nam thành công hơn nữa trong việc phục hồi kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

tuan-1478-3168.jpg

PGS.TS Bùi Quang Tuấn đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận "Làn sóng công nghệ mới và sự thay đổi của lực lượng sản xuất".thien-6026-1601.jpg

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận mở.

Tại hội thảo, ban tổ chức đã ra mắt cuốn kỷ yếu với tiêu đề "Khoa học Kinh tế Chính trị - Những vấn đề đương đại". Sau phiên tham luận chung, phiên thảo luận mở của hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia về những vấn đề liên quan đến kinh tế chính trị ở Việt Nam. Đồng thời đưa các giải pháp, đề xuất thiết thực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

>> Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/khai-mac-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-ve-kinh-te-chinh-tri-post706169.html


Giáo dục và Thời đại; Tổng hợp: Tiến Thành - UEB Media